GIAI ĐOẠN 1989 - 2003
BƯỚC CHUYỂN MÌNH
Những chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý từ cuối năm 1985 đã tạo nên khí thế mới cho toàn Nhà máy bước vào thực hiện kế hoạch năm 1986 - thời kỳ bắt đầu một thời kỳ phát triển mới của đất nước trong công cuộc kiến quốc theo tinh thần đường lối đổi mới toàn diện mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra.
Sau 26 năm hoạt động liên tục, rất hiệu quả, sản xuất hàng trăm triệu kWh điện cho Tổ quốc, tháng 4/1989, Bộ Năng lượng quyết định các lò máy nhà máy điện Cao Ngạn cũ chính thức ngừng phát điện, chuyển chức năng từ sản xuất phát điện sang chế độ chạy phát bù vô công, quản lý hệ thống đường dây truyền tải, phân phối và kinh doanh theo cơ chế mới của ngành Điện. Theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về việc chia tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, để phù hợp tên gọi theo địa danh mới, tháng 4/1997, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập Đoàn Điện lực Việt Nam), có quyết định đổi tên từ Sở Điện lực Bắc Thái thành Điện lực Thái Nguyên, từ đó Đảng bộ Sở Điện lực Bắc Thái thành Đảng bộ Điện lực Thái Nguyên, trực thuộc Thành ủy Thái Nguyên. Ngày 01/ 6 /1999, ngành Điện tách trạm 110/35/6kV E6.2 khỏi điện lực Thái Nguyên, sáp nhập vào công ty Truyền tải điện 1 để thành lập truyền tải điện Thái Nguyên.
Ngày 13/9/1989, đồng thời đầu tư xây dựng 2 chi nhánh điện Sông Công và Đại Từ.
Ngày 25/6/1990, Chi nhánh điện Phú Lương được thành lập.
Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, cái gì cũng khó khăn và lúng túng. Tư duy xã hội hóa dòng điện đã có nhưng để thực hiện không hề dễ. Thiết bị bắt đầu được bổ sung thêm, hệ thống đường dây bắt đầu được cải tạo kéo dài, đúc cột, đường dây, hệ thống đo đếm công tơ bắt đầu nhiều. Nhà máy tăng cường thêm các trạm biến áp, nhiều tuyến để chống tổn thất, ổn định điện năng. Đội ngũ CBCNV lần lượt được cử đi học thêm để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nhà máy xin phép lãnh đạo tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo xin ý kiến khách hàng làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu mới, vận động nhân dân cùng đóng góp, dân bỏ mua cột, ngành Điện kéo dây để kéo điện về các xã. Những năm bao cấp, Nhà máy chỉ cung ứng điện cho các nhà máy công nghiệp và khu vực Thành phố, nay thì được đầu tư hệ thống đường dây để đáp ứng cho nhà dân, nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng được, vốn không có nên buộc phải kêu gọi nhân dân đóng góp và nhờ tỉnh hỗ trợ thêm.
Tư duy của người thợ điện cũng thay đổi, CBCNV hiểu phải phục vụ khách hàng tốt hơn, nhanh hơn và đầy đủ hơn. Khi lò máy ngừng hoạt động, Nhà máy bắt đầu thành lập một tổ kinh doanh khoảng 30 người do bà Luận làm tổ trưởng, nhiệm vụ chủ yếu là đi thu tiền điện trong dân, triển khai thu róc. Thời bao cấp, Nhà máy nhờ thu tiền điện qua ngân hàng, nên thường rất chậm. Khách trả thì ngân hàng trả, không thì thôi, vì ngân hàng không có chức năng đi đòi. Vì thế, Nhà máy luôn trong tình trạng bị khách hàng nợ.
Được đầu tư lắp các công tơ tổng, đội kinh doanh bắt đầu làm theo phương thức mới, theo dõi số đầu kỳ, cuối kỳ của mỗi công tơ, sau đó lập hóa đơn giao cho ai phụ trách địa bàn nào, mỗi người 01 quyển sổ, mang theo hóa đơn, đến từng hộ thu tiền. Trường hợp nào khó, tổ trưởng sẽ trực tiếp đi giải quyết.
Đang quen với phương thức cũ, bị áp theo phương thức mới, nhiều khách hàng cũng chây ỳ, không thay đổi. Tổ trưởng Luận nghĩ ra một cách, tuyên bố nếu khách hàng cứ trì trệ là cắt điện. Đầu tiên, nhân viên cầm lệnh cắt điện vào, nếu khách hàng cam kết trả tiền thì thôi, còn không trả là báo về trạm cắt điện. Động đến quyền lợi của mình, khách hàng buộc phải thanh toán và đến năm 1990, việc thu tiền điện đã đi vào khuôn khổ.
Tuy nhiên, việc thu tiền qua các công tơ tổng vẫn gây tổn thất rất nhiều. Đường dây trần bị câu móc khắp nơi. Một mặt, Nhà máy nhờ chính quyền địa phương và công an can thiệp trấn áp tình hình câu móc trộm điện. Mặt khác, Nhà máy tiếp tục thay thế các công tơ tổng bằng các công tơ tại hộ gia đình, mỗi hộ một công tơ, một hợp đồng, để ngăn chặn tình trạng thất thoát điện từ công tơ tổng. Với nỗ lực này của đội ngũ cán bộ phòng kinh doanh, tổn thất điện năng đã giảm đáng kể, tiền điện thu đúng, thu đủ, góp phần làm đời sống CBCNV được cải thiện.
Giai đoạn này, Nhà máy tiếp tục được đầu tư hệ thống đường dây và xây dựng các trạm 110 kV. Ngày 07/01/1993, đóng điện trạm 110kV Bắc Kạn, đưa điện lưới quốc gia về thị xã Bắc Kạn.
Năm 1995, Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam dự án về cải tạo lưới điện và đường dây tải điện thông qua dự án SIDA. Năm 1996, Phó giám đốc Dương Văn Hạp nhận nhiệm vụ phụ trách dự án SIDA. Lúc này, do thấy phía Việt Nam chậm triển khai, nước bạn Thụy Điển định rút dự án vào miền Trung, nguy cơ tuột mất dự án là rất lớn. Nhận nhiệm vụ, đồng chí Hạp ngày đêm bám sát đại sứ quán Thụy Điển nhờ một nữ chuyên viên kiêm phiên dịch giúp chắp nối. Sau bao lần tích cực đi lại, cuối cùng Thụy Điển đồng ý đầu tư. Đó cũng là lần đầu tiên, Nhà máy Điện Thái Nguyên tiếp xúc với một cuộc đấu thầu tầm cỡ quốc tế tại Công ty Điện lực 1. Sau khi hợp đồng được ký kết, Thái Nguyên đã được hỗ trợ xây dựng lưới điện hạ thế 22 kV cho khu vực phía Bắc thành phố. Đây cũng là lưới điện chủ yếu của các thành phố khác cho đến ngày nay. Công nghệ mới bắt đầu thay thế công nghệ cũ. Trước đây, trên 1 cột có 3-4 dây, bây giờ xoắn lại thành 1 dây rất gọn được gọi là công nghệ cáp vặn xoắn. Khi dự án được triển khai, Thái Nguyên được lắp đặt loại dây này thì các Nhà máy sản xuất dây cáp của Việt Nam mới học công nghệ và việc sản xuất cáp vặn xoắn trở thành phổ biến.
Tháng 02 năm 1996, Nhà máy Điện Thái Nguyên tiếp tục một bước chuyển mình nữa, ngừng phát bù vô công. Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn cũ (A62) đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử vẻ vang để chuyển hẳn sang chức năng mới là quản lý vận hành, kinh doanh điện năng, sửa chữa và xây dựng phát triển lưới điện. Hàng trăm CBCNV làm những công việc ít chuyên môn về điện được đào tạo lại chuyên môn về Điện để có đủ khả năng đảm đương công việc mới.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh đoanh, lúc này, Công ty đầu tư xây dựng Chi nhánh điện Phú Bình (16/5/1995); Ngày 1/10/1998, đầu tư xây dựng chi nhánh điện Định Hóa; Ngày 23/5/2000, chi nhánh huyện Võ Nhai được Công ty đầu tư, xây dựng. Cùng với việc đầu tư xây dựng các chi nhánh điện, Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm biến áp 110kV tại Thịnh Đán, Gò Đầm.. Phân xưởng thí nghiệm điện.
Kết thúc dự án SIDA, phía Bắc thành phố Thái Nguyên được trang bị đường dây 22kV. Hệ thống lưới điện phần còn lại của thành phố vẫn ở trong tình trạng cũ nát, cung cấp điện hết sức khó khăn. Mới chỉ có 50% số xã có điện, trong khi yêu cầu của tỉnh rất bức bách làm sao để đưa điện về 100% các xã. Đứng trước tình hình đó, năm 1999, khi được chuyển công tác lên làm Giám đốc, đồng chí Dương Văn Hạp đã đặt vấn đề với ngành Điện cho Điện lực Thái Nguyên đầu tư tiếp hệ thống đường dây và trạm biến áp 110 kV để bán lẻ điện đến toàn bộ thành phố, hiện đại hóa hệ thống hạ thế ở Thái Nguyên bằng cáp vặn xoắn. Kiên trì theo đuổi dự án, dần dần mỗi năm một ít, cuối cùng đến 2007, Điện lực Thái Nguyên đã hoàn thành việc thay các lưới điện khác bằng việc cấp cùng một cấp điện áp 22kV tại thành phố, bán điện đến tất cả các hộ bằng công tơ của điện lực, lưới điện đạt tiêu chuẩn kinh doanh của ngành.
Lúc này, trụ sở của Nhà máy ở Quán Triều đã rất cũ nát, hệ thống chi nhánh từ thành phố đến huyện hầu như đi thuê, nhà cửa tạm bợ. Giám đốc Dương Văn Hạp đã hạ quyết tâm xây dựng trụ sở mới và xây dựng lại toàn bộ hệ thống chi nhánh khang trang, đủ điều kiện để kinh doanh. Khu đất xây dựng trụ sở mới đã được Giám đốc Lê Thạc Ngạn tiến hành từ những năm trước đó. Tháng 12/2000, nhà điều hành Điện lực Thái Nguyên chuyển xuống vị trí mới ở số 31 đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Đây là trục đường đôi rất đẹp, có nhiều cơ sở thương mại dịch vụ lớn và hoạt động buôn bán nhộn nhịp nhất của thành phố Thái Nguyên. Cũng năm này, Điện lực Thái Nguyên vinh dự đón danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Lúc này toàn ngành Điện trong cả nước bước vào thực hiện chương trình điện khí hoá nông thôn của Đảng và Nhà nước, từng bước đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người. Điện lực Thái Nguyên đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI là phải đưa điện về 100% các xã trong tỉnh vào năm 2004. Lúc đó, đồng chí Hồ Đức Việt đang làm Bí thư tỉnh Thái Nguyên lên kế hoạch dự kiến đến năm 2004, Thái Nguyên sẽ phủ điện lưới đến 100% xã trong tỉnh. Nhưng sau đó, tỉnh rút lại 1 năm và giao cho Điện lực Thái Nguyên bằng mọi cách phải thực hiện. Trong những chuyến đi công tác đến các vùng sâu vùng xa, đồng chí Hồ Đức Việt đều yêu cầu lãnh đạo Điện lực Thái Nguyên đi cùng để trả lời câu hỏi của người dân là bao giờ có điện. Do đó Điện lực Thái Nguyên chỉ còn con đường duy nhất là tiến lên, quyết tâm hoàn thành kế hoạch.
Khó khăn lớn nhất là lưới điện tỉnh Thái Nguyên xây dựng từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đã cũ nát phải cải tạo, xây dựng mới nhiều mà Thái Nguyên là một tỉnh nằm ở vùng Trung du miền núi, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn, nhiều núi cao, rừng rậm… Đây là lợi thế trong kháng chiến chống Pháp “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”; những địa danh Định Hoá, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên đã được gọi là an toàn khu (ATK), Định Hoá được chọn làm “Thủ đô gió ngàn- Chiến khu Việt Bắc ”. Nhưng chính những đặc điểm địa hình đó cũng đem lại rất nhiều những gian nan vất vả cho việc xây dựng, phát triển và vận hành lưới điện sau này.
Thời kỳ đó, việc vay vốn ngân hànglà cực kỳ khó khăn. Ban Giám đốc Nhà máy bàn trong Đảng ủy phải tìm mọi giải pháp để thực hiện bằng được chỉ tiêu của tỉnh đưa ra. Cuối cùng, Điện lực tìm ra giải pháp tranh thủ đoàn đại biểu của tỉnh Thái Nguyên về họp quốc hội, Điện lực báo cáo với Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh, đề nghị được làm việc với Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Được gặp, Điện lực Thái Nguyên đã thuyết trình một đề án xin vốn, trong đó đề xuất Tổng công ty Điện lực Việt Nam giúp đầu tư xây dựng đường điện hạ thế về huyện Võ Nhai. Đây là huyện căn cứ cách mạng thuộc vùng sâu vùng xa, nếu thực hiện được thì các huyện khác sẽ lên được hết. Trước nhiệt tình và quyết tâm của Thái Nguyên, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã mạnh dạn chấp thuận đầu tư cho huyện Võ Nhai theo đề xuất của Điện lực Thái Nguyên. Từ đây, các huyện khác dần dần được đầu tư. Để khẳng định năng lực của mình, đội ngũ CBCNV Điện lực Thái Nguyên đã ngày đêm bám trụ trên các công trình, thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ. Hệ thống đường dây dù là đến các vùng xa xôi hẻo lánh cũng được CBCNV Điện lực Thái Nguyên thi công đúng tiến độ và chất lượng. Cuối cùng, dự án phủ điện lưới quốc gia đến 100% xã đã hoàn thành, đúng ngày 7/8/2003, Điện lực Thái Nguyên cho đóng điện xã cuối cùng, đạt 145/145 xã trong tỉnh Thái Nguyên có điện lưới quốc gia. Đồng bào vùng cao mừng vui đón điện, phấn khởi nói: “tết này thịt nhiều cũng không bằng điện về”.
Những điểm mốc quan trọng trong chương trình điện khí hoá nông thôn
Ngày 27/8/1995, Lễ khởi công công trình điện khí hoá thí điểm tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hoá;
Ngày 5/6/2001, Lễ khởi công xây dựng đường dây và trạm điện xã Văn Lãng, huyện Đồng Hỷ;
Ngày 25/5/2003, lễ khởi công xây dựng đường dây và trạm điện xã Kha Sơn, huyện Phú Bình;
Ngày 8/11/2003, Công ty tổ chức Lễ cắt băng khánh thành trạm điện xã Phú Lương, huyện Đại Từ. Đây là xã cuối cùng của tỉnh Thái Nguyên có điện lưới quốc gia.
Trong giai đoạn này, nhận thức về thi đua cũng có những đổi mới, các phong trào thi đua trong giai đoạn này có nhiều kết quả tốt, góp phần đưa Điện lực Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và an toàn vệ sinh lao động. Cụ thể, Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ cùng chuyên môn tổ chức tốt phong trào quần chúng công nhân viên chức lao động điện lực tham gia hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện tốt phòng trào thi đua “xanh- sạch- đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”. Năm 1996, Công đoàn đã vận động cán bộ công nhân viên chức tổ chức thực hiện rẫy cỏ, làm vệ sinh môi trường với diện tích trên 60.000 m2 và trồng 3.000 cây keo lá tràm. Năm 1997, Công đoàn tiếp tục duy trì phong trào vận động cán bộ công nhân viên chức tổ chức rẫy cỏ, làm vệ sinh môi trường vào ngày thứ bẩy và chủ nhật với diện tích trên 45.000 m2 và trồng 2.500 cây keo lá tràm, cây bạch đàn. Bên cạnh đó, phong trào sáng kiến cải tiến hợp lý hoá sản xuất phong trào được duy trì thường xuyên và phong trào sáng kiến được các đơn vị hưởng ứng tham gia. Đặc biệt trong số đó có sáng kiến thiết kế và chế tạo máy thử dây đeo an toàn được hội đồng sáng kiến Công ty, Tổng công ty đánh giá cao và cho phép Điện lực Thái Nguyên sản xuất hàng loạt và cấp phát cho các đơn vị trực thuộc của điện lực sử dụng, và bán cho một số điện lực trực thuộc Công ty Điện lực 1. Tính từ năm 1996 đến năm 2005, Điện lực Thái Nguyên đã có 342 sáng kiến, giá trị làm lợi trên 5 tỷ đồng.
Cũng từ năm 1996 đến 2005, công tác quản lý và tổ chức hoạt động của màng lưới an toàn vệ sinh viên là lực lượng nòng cốt quan trọng của tổ chức Công đoàn tại Điện lực trong hoạt động bảo hộ lao động và phong trào “xanh- sạch- đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”. Thường vụ Công đoàn Điện lực coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác an toàn- vệ sinh lao động. xây dựng được mạng lưới an toàn viên hoạt động có nề nếp. An toàn vệ sinh viên là lực lượng nòng cốt quan trọng của tổ chức Công đoàn trong hoạt động bảo hiểm lao động và phong trào “xanh- sạch- đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”. Kết quả trong 10 năm liên tục (1996- 2005) Điện lực Thái Nguyên không để xảy ra tai nạn chết người trong sản xuất, không để xảy ra sự cố cháy nổ, không có người mắc bệnh nghề nghiệp do chủ quan gây ra...
Cũng trong giai đoạn này, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế của Điện lực Thái Nguyên luôn liền với các công trình quốc phòng nhằm tăng cường công tác an ninh- quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các Chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự Thành phố thái Nguyên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Điện lực đã quán triệt Chỉ thị số 773/CT-BQP về đẩy mạnh công tác dân vận của lực lượng dân quân tự vệ. Lực lượng tự vệ của Điện lực là lực lượng vũ trang nhân dân không thoát ly lao động sản xuất mà phải làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến quần chúng nhân dân. Trong những năm qua lực lượng CBCNV của Điện lực Thái Nguyên trong đó có lực lượng tự vệ đã làm tốt công tác dân vận.
Trong qua trình phát triển của mình, Điện lực Thái Nguyên đã đạt được thành tựu rất đỗi tự hào. Từ chỗ không xã nào có điện vào năm 1983, nhưng 20 năm sau, năm 2003, điện đã phủ sóng tất cả 145/145 xã, về trước kế hoạch 52 ngày theo mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI đề ra.
Ngày 09/06/2003, thực hiện Quyết định số 503- QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên bàn giao Đảng bộ Điện lực Thái Nguyên về Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên quản lý với 302 cán bộ, đảng viên, sinh hoạt tại 28 chi bộ trực thuộc.
Trong giai đoạn từ (1986 - 2003), Ban chấp hành Đảng bộ đã tổ chức Đại hội thành công 5 nhiệm kỳ:
Khóa 13, Đại hội tổ chức vào ngày 15, 16/12/1988, nhiệm kỳ từ tháng 12/1988 -01/1992 số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đình Ẩm được bầu làm Bí thư Đảng ủy .
Khóa 14, Đại hội tổ chức vào ngày 09, 10/01/1992, nhiệm kỳ từ tháng 01/1992 -10/1994 số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Nguyễn Đình Ẩm.
Khóa 15, Đại hội tổ chức vào ngày 21,22/10/1994, nhiệm kỳ từ tháng 10/1994 - 01/1996 số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Triệu Văn Phòng.
Khóa 16, Đại hội tổ chức vào ngày 23, 24/01/1996, nhiệm kỳ từ tháng 01/1996 - 10/1998 số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Triệu Văn Phòng.
Khóa 17, Đại hội tổ chức vào ngày 15/10/1998, nhiệm kỳ từ tháng 10/1998- 09/2000 số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Triệu Văn Phòng, tháng 9/1999 đồng chí Triệu Văn Phòng nghỉ hưu đồng chí Dương Văn Hạp giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ;
Khóa 18, Đại hội tổ chức vào ngày 17/09/2000, nhiệm kỳ từ tháng 09/2000- 03/2003 số lượng Ủy viên BCH gồm 15 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Dương Văn Hạp.
Sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, Điện lực Thái Nguyên ban đầu vận hành chỉ có 128km đường dây các loại, với 10 trạm/15 máy biến áp, tổng dung lượng 68.120 kVA, chủ yếu phục vụ cho Khu Gang thép, đến năm 2003, tổng chiều dài đường dây các loại đã lên tới 4.300km có 908/949 máy biến áp, tổng dung lượng lên đến 493.466 kVA. Công tác kinh doanh điện ngày càng phát triển, giai đoạn 1963-1983 là giai đoạn vừa sản xuất điện, vừa khôi phục nhà máy. Ở giai đoạn này, hoà lưới điện quốc gia đạt 2,2 tỷ kWh điện thương phẩm, doanh thu đạt 0,33 tỷ đồng, khách hàng chủ yếu là Khu Gang thép và thành phố Thái nguyên. Đến năm 1998, điện thương phẩm tăng lên 6 tỷ kWh, doanh thu bán điện đạt 2.000 tỷ đồng, số khách hàng lên đến 30.000 hộ và đến năm 2003, điện thương phẩm đạt tới 8,32 tỷ kWh, doanh thu bán điện đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, số khách hàng lên tới 80.000 hộ, nộp ngân sách Nhà nước gần 700 tỷ đồng. Công tác dịch vụ nâng cao về mọi mặt. Trụ sở làm việc của Điện lực đến các chi nhánh đều có phòng tiếp khách hàng, có số điện thoại nóng để kịp thời xử lý sự cố. Niềm tin về công tác phục vụ cấp điện ở Điện lực Thái Nguyên và ngành Điện đã được khẳng định trong các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Đây chính là nền tảng vững chắc cho Điện lực Thái Nguyên tăng tốc và phát triển bền vững.
Với bề dày lịch sử và những thành tích đạt được như trên, Nhà máy điện Cao Ngạn xưa, Điện lực Thái Nguyên nay đã vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước như: 06 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 12 cờ thưởng luân lưu của chủ tịch Nước; 01 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1973); 01 Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1988); 02 Huân chương Lao động hạng Nhất (1984 – 1988); 01 Huân chương Lao động hạng Nhì (1980); 03 Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2000, Điện lực Thái Nguyên đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Vinh dự và tự hào hơn, ngày 25/12/2003, Điện lực Thái Nguyên được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ, ngành, địa phương và Công ty Điện lực 1.